Ngoại trừ những công ty đa quốc gia với nhu cầu nghiên cứu thị trường cao và luôn dành một khoản ngân sách nhất định cho công việc này, phần đông các doanh nghiệp Việt Nam xem nghiên cứu thị trường là tốn kém, mất thời gian, kết quả đôi khi không thể sử dụng được, hoặc tệ hơn là không đáng tin cậy.
Do vậy các doanh nghiệp và tổ chức kinh doanh ở Việt Nam rất ít chú trọng vào công tác nghiên cứu thị trường so với các quốc gia khác trong cùng khu vực. Cụ thể, mức chi phí trung bình để nghiên cứu thị trường của DN Việt Nam chỉ là 0,12 USD/người dân/năm, thấp nhất trong khu vực.
Con số tương đương của Malaysia là 1,25 USD, Thái Lan là 0,6 USD, Philippines 0,38 USD và Trung Quốc là 0,3 USD. (Biểu đồ so sánh ở dưới)
Vậy nguyên nhân cốt lõi của vấn đề từ đâu? Nguyên nhân sâu xa đến từ nhận thức của những nhà lãnh đạo Việt Nam, họ chưa có sự nhận thức đầy đủ và toàn diện về vai trò và chức năng của công tác nghiên cứu thị trường trong bối cảnh kinh doanh hiện nay so với các nhà lãnh đạo của các quốc gia khác. Biết rằng, ngân sách bỏ ra cho ngân sách thị trường là một khoản tiền tương đối lớn. Theo các chuyên gia, chi phí cho nghiên cứu thị trường rất vô chừng, có những dự án lên đến triệu đô la để trả lời những câu hỏi mang tính chiến lược của một hệ thống lớn; cũng có những dự án gói gọn trong khoảng vài triệu đồng nhưng cũng đủ sức mang lại những giải pháp khả thi cho doanh nghiệp.
Bởi vì các nhà quản trị Việt Nam cho rằng khoản tiền bỏ ra cho công tác nghiên cứu thị trường là một khoản chi phí, biết rằng trên giấy tờ thì đây đúng là một khoản chi phí nhưng đúng hơn nên xem đó là một khoản đầu tư. Bởi vì khi xem nó là một khoản đầu tư thì các nhà quản trị sẽ cảm thấy thoải mái và mạnh tay chi ngân sách cho công tác NCTT. Bởi vì khoản tiền đầu tư thì tương lai mới đem lại kết quả cho doanh nghiệp còn nếu xem nó là chi phí thì đó là khoản tiền mà doanh nghiệp sẽ bị mất đi vĩnh viễn không thu hồi lại được. Ta có thể ví von nhận định trên đây giống như việc sinh viên đóng tiền học phí khi học tại trường. Nếu SV xem khoản học phì khoản chi phí thì bạn ấy cảm thấy rất tiếc khoản tiền đó khi đem đi nộp, nhưng nếu SV đó xem đây như là một khoản đầu tư thì thấy việc nộp học phí là việc đương nhiên, rất bình thường. Bởi vì việc học của học sẽ mang lại kết quả cho họ trong tương lai.
Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn về công tác nghiên cứu thị trường của nhân viên trong công ty lại chưa cao. Nhưng đa phần các doanh nghiệp Việt Nam đều thích tự tiến hành nghiên cứu thị trường. Với tư tưởng "thiết kế bảng câu hỏi và tự đi phỏng vấn vừa rẻ, vừa tận dụng được nguồn nhân lực sẵn có”, rất nhiều công ty Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, đã quyết định tự làm dự án nghiên cứu thị trường. Và trong hầu hết trường hợp, kết quả mang tính ứng dụng rất thấp, thậm chí không dùng được vì những lỗi cơ bản mà do không có kinh nghiệm nên không lường trước được.
Theo công ty ASSI VN, một trong những chuyên gia nghiên cứu thị trường Việt Nam đã từng cung cấp dịch vụ cho các công ty ở nhiều lĩnh vực, quy mô và quốc tịch khác nhau - một dự án nghiên cứu, cho dù ở bất cứ quy mô nào cũng cần đến những khâu bắt buộc như: thiết kế bảng câu hỏi (vốn đòi hỏi rất nhiều công sức, kỹ năng và đặc biệt là kinh nghiệm), "mock up" (tiến hành phỏng vấn thử nội bộ trong công ty), "piliot" (phỏng vấn thử trên đáp viên thật tại công ty cho tất cả những phía liên quan), kiểm tra chéo bảng câu hỏi, kiểm tra logic trên phiếu, nhập phiếu hai lần để kiểm tra lỗi hệ thống, kiểm tra logic trên hệ thống...
Tất cả những việc này được tiến hành theo khâu chuẩn mà bất cứ công ty nghiên cứu thị trường nào cũng phải có. Nếu DN tự làm thì chỉ thực hiện ba khâu: thiết kế bảng câu hỏi, nhập phiếu và lên bảng biểu. Tiết kiệm trong trường hợp này chỉ xét đến khi nói đến ngân sách thực chi, trong khi những rủi ro tiềm ẩn dẫn đến dự án thất bại là rất cao.
Mô hình chung là nghiên cứu thị trường sẽ chiếm từ 10 - 20% ngân sách marketing vốn chiếm từ 4 - 10% doanh số bán hàng của một năm. Với ngân sách rõ ràng như thế, tốn kém hay không tốn kém sẽ được đánh giá qua việc sử dụng ngân sách có hiệu quả hay không và những kết quả mà nghiên cứu thị trường mang lại có thực tiễn không, hơn là chỉ xét đến số tiền đã bỏ ra cho mỗi dự án
Tóm lại, ngân sách dành cho nghiên cứu thị trường tốn kém hay không, không nên chỉ đánh giá qua ngân sách dành cho dự án đó, mà nên căn cứ vào những giá trị nó mang lại.
Người thực hiện: Lê Thị Kim Tuyết