Xã hội tri thức: học suốt đời và tự học

Giáo dục là tiến trình phát triển trọn đời của con người để phát huy hết năng lực của mình. Người làm chính sách, người tuyển dụng và nhà giáo không ngừng nhấn mạnh và khuyến khích việc học tập suốt đời để đảm bảo tương lai cho mỗi người.

“Đạo lý” ấy thì ai cũng dễ dàng đồng ý và tán thưởng. Nhưng không ít vấn đề nảy sinh khi suy nghĩ sâu hơn về “kịch bản” này. Bởi xã hội tri thức, như đang được thực hành tại các nước phát triển, có cách hiểu mới về việc học suốt đời và tự học, như là hai cột trụ bên cạnh việc sở đắc kỹ năng như đã bàn trước đây.

Học suốt đời như là công cụ sở đắc kỹ năng

Học suốt đời được định nghĩa chính thức như sau: là việc học do mỗi cá nhân tự chịu trách nhiệm, tức người học tự lựa chọn trong mạng lưới đa dạng của những cơ hội và nội dung học tập. Điều này cũng đúng ngay từ tuổi ấu thơ khi phụ huynh định hướng việc học của con cái mình. Tự định hướng việc học bao hàm tận dụng cơ hội học tập do bên ngoài mang lại cũng như tự tổ chức lấy việc học của mình. Tiền đề của nó là phải có sự bình đẳng về cơ hội học tập và sự tư vấn có thẩm quyền (“Chiến lược học tập suốt đời của Hội đồng Giáo dục Liên bang Đức”).

Trong thời đại hội nhập này, dù ở các nước tiên tiến hay kém phát triển, không học suốt đời sẽ bị gạt sang bên lề. Ảnh TL

“Tự định hướng” và “tự chịu trách nhiệm” là tính chất cơ bản của việc học trong xã hội tri thức, mặc dù chưa ai biết rõ phải học những gì. Nghĩa là, bên cạnh việc sở đắc nhiều kỹ năng, ta cần có “kỹ năng học” trước đã! Các mục tiêu giáo dục không còn được đặt ra rành mạch như trước, vì chỗ tinh tế của khái niệm học suốt đời ngày nay là ở chỗ không xác định cứng nhắc mục tiêu học tập. Bản thân việc học chính là mục tiêu. Sự cần thiết phải học suốt đời xuất phát từ thực tế: thị trường, công nghệ và truyền thông phát triển quá nhanh và con người không có cách nào khác là phải chạy theo để thích ứng. Họ luôn phải “fit for the job” nếu không muốn bị gạt sang bên lề! Vì thế, khó có thể nói ngay từ đầu rằng học như thế đã đủ chưa và có “đúng” không. Tốn nhiều thời gian và tiền bạc vẫn có thể là “sai” hay “quá ít”. Rủi ro của việc học suốt đời hoàn toàn đặt trên vai người học, bởi họ tự định hướng và tự chịu trách nhiệm. Từ “thành tài” ngày càng trở nên mơ hồ, bất định! Tình trạng luôn dang dở, chưa hoàn tất, chưa thể hài lòng tác động tích cực lên các yêu cầu của xã hội tri thức, bởi nó luôn đặt con người trong tình thế bấp bênh, cả về kỹ năng lẫn trong cuộc sống, để buộc phải... học suốt đời. Sự tự nguyện ấy là điều kiện sinh tử của khái niệm “học suốt đời” cũng như của khái niệm xã hội tri thức.

“Tự” học

Tự học không chỉ có nghĩa hiền lành, vô hại như trước nay là tự đào tạo bên ngoài trường lớp chính quy. “Tự” bây giờ là... mệnh lệnh của cuộc sống: tự lựa chọn, tự quyết, tự tổ chức, tự chịu trách nhiệm, hay nói gọn, tự lo lấy thân! “Tự” là khái niệm mơ hồ, nhưng không thiếu phần hấp dẫn. Helmut Bremer, trong bài Tự học (2005), viết không phải không có ý mỉa mai: “Còn muốn gì hơn: trong ý nghĩa khai phóng, tự học là giải phóng cá nhân khỏi những sự lệ thuộc và cưỡng bức; nó mang dư âm của sự trưởng thành, tự trị và tự phát huy”. Dường như chưa bao giờ khát vọng tự do có cơ trở thành sự thật.

Bởi về lý thuyết, tri thức - phương tiện sản xuất quan trọng nhất của xã hội tri thức - sẵn sàng dành cho tất cả mọi người. Người lạc quan nhìn thấy ở đây sự tiêu biến của mọi rào cản và phân biệt đối xử. Ai cũng biết, trên thực tế, mọi việc không “thơ mộng” như thế! Không phải ai cũng có “lợi thế cạnh tranh” trong việc tự học với những khóa học đắt tiền, những cơ hội du học về ngoại ngữ hay chuyên môn, kể cả đối với người dân các nước phát triển. Vì thế, không ít nhà giáo dục học băn khoăn về sự “không tưởng” của việc mọi người đều có thể tự do tham gia vào các nguồn lực quyết định của xã hội tri thức hiện đại.

Học suốt đời là việc học do mỗi cá nhân tự chịu trách nhiệm. Ảnh TL

Tự học hiển nhiên trở thành đòi hỏi bức thiết để thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của kinh tế và kỹ thuật - công nghệ, và hầu như đồng nghĩa với học tập suốt đời. Tuy nhiên, trong dòng chảy khó cưỡng lại ấy, tư tưởng giáo dục cổ điển về sự khai phóng cá nhân thường được tái diễn giải như là sự năng động và sẵn sàng chạy theo năng suất. Việc tự học - thoát ly khỏi hoàn cảnh xã hội - trở thành gánh nặng trách nhiệm cô đơn của mỗi cá nhân về thành bại của chính mình.

Đồng thời, đàng sau sự tự do, tự quyết được tái diễn giải như là “tự lo lấy thân” ẩn giấu những áp lực ghê gớm của việc kiểm soát và kỷ luật hóa ngày càng tinh vi, thông qua sự so sánh, đánh giá và trắc nghiệm, nhằm tạo nên sự nhất thể hóa và đồng phục hóa trong hệ thống giáo dục. Sự bình đẳng không hẳn đồng nghĩa với giải phóng mà là buộc phải phục tùng những tiêu chuẩn chung và cả sự loại trừ. Khi mọi người đều như nhau, nhưng không ai muốn mình ngang hàng với người khác thì phải tạo ra sự khác biệt bằng sự phân loại và sắp hạng. Những người tham gia hệ thống giáo dục sớm muộn sẽ phải làm quen với việc tự nguyện phục tùng những biện pháp và thể thức kỷ luật hóa để duy trì hệ thống.

Vậy, xã hội tri thức tiếp thu, đồng thời cải biến những ý niệm dẫn đạo của truyền thống nhân văn cổ điển (tiêu biểu là sự tự do và tự trị của chủ thể) như thế nào? Ta sẽ trở lại với khái niệm “quản trị”(gouvernementalité) của Michel Foucault để tìm hiểu xem việc thực hành “quản trị” được thiết lập như thế nào trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt dưới ảnh hưởng thống trị của “chủ nghĩa tân tự do” trong xã hội tri thức ngày nay.

Sự kết hợp giữa sở đắc kỹ năng, tự học suốt đời với những chiến lược kỷ luật hóa của sự “quản trị” sẽ hình thành nên sự “tự kiểm soát tự nguyện” của những cá nhân. Ta có thể nhận diện sự tự kiểm soát tự nguyện này trong mọi cấp độ của hệ thống giáo dục hiện đại. Ở cấp độ định chế, đó là việc tái cơ cấu các thiết chế giáo dục thành những “trung tâm dịch vụ”, mà chức năng chủ yếu của nó là thương mãi hóa tri thức. Giáo dục, qua đó, ngày càng hướng đến thị trường và hiệu quả kinh tế như là điều tự nhiên và bình thường. Nhưng, những hệ quả nào sẽ xảy ra cho chủ thể khi giáo dục được vận hành theo hình mẫu của doanh nghiệp và theo cách xúc tiến một đề án kinh tế?

Bùi Văn Nam Sơn