Giới hạn giờ lái xe, doanh nghiệp lo chi phí logistics tăng

Các doanh nghiệp dự kiến sẽ đối mặt với chi phí vận hành tăng từ 10-20%, chủ yếu do nhu cầu tăng cường đội ngũ tài xế để tuân thủ quy định, cùng với các điều chỉnh logistics để thích ứng với giới hạn giờ lái xe mới.

Theo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, tài xế sẽ bị giới hạn thời gian lái xe không quá 48 giờ mỗi tuần, 10 giờ mỗi ngày và tối đa 4 giờ liên tục. Đồng thời, Nghị định 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định cụ thể về các mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm, bao gồm việc trừ điểm và phục hồi điểm trên giấy phép lái xe, thu hút sự quan tâm lớn từ doanh nghiệp và tài xế.

Theo đó, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đã gửi văn bản kiến nghị lên Thủ tướng và các cơ quan liên quan. Hiệp hội nhấn mạnh rằng hệ thống đường bộ Việt Nam chưa đồng bộ, tình trạng ùn tắc kéo dài ở các thành phố lớn và quốc lộ chính khiến tài xế khó tuân thủ quy định.

Bên cạnh việc ùn tắc, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ cũng là một rào cản lớn với doanh nghiệp. Theo đó, nhiều tuyến đường quốc lộ và cao tốc, như tuyến Bắc - Nam, thiếu các trạm dừng nghỉ, khiến tài xế không thể tuân thủ thời gian nghỉ ngơi theo quy định. Trong khi đó, thiết bị giám sát hành trình vốn được kỳ vọng là công cụ hỗ trợ quản lý lại thường xuyên cung cấp dữ liệu không chính xác, gây thêm áp lực lên cả tài xế và doanh nghiệp.

Đặc biệt, nhiều lo ngại cho rằng việc giới hạn giờ lái xe không chỉ ảnh hưởng kéo dài thời gian vận chuyển của các doanh nghiệp vận tải mà còn có thể tác động tới các doanh nghiệp sản xuất.

Do đó, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đề xuất nới lỏng quy định thời gian lái xe từ 48 giờ lên 60 giờ mỗi tuần, điều chỉnh thời gian lái xe liên tục để phù hợp hơn với thực tế, cải thiện hạ tầng giao thông, bổ sung các trạm dừng nghỉ, và áp dụng chuyển đổi số trong quản lý hành chính.

Đồng thời, kiến nghị tăng cường đầu tư vào các tuyến đường cao tốc, lắp đặt thêm trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường chính, đặc biệt là những đoạn giao thông huyết mạch như tuyến Bắc - Nam. Đây được xem là giải pháp dài hạn để giảm ùn tắc và hỗ trợ tài xế tuân thủ quy định mà không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải.

Dự kiến chi phí tăng 10 đến 20%

Ngày 4/2/2025, CEL - Công ty tư vấn hàng đầu về chuỗi cung ứng và logistics công bố báo cáo "Đánh giá tác động của luật giao thông mới 2025 đối với ngành logistics và chuỗi cung ứng" sau một tháng thực thi quy định.

Báo cáo được thực hiện với sự tham gia của 460 doanh nghiệp, chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó ngành logistics và chuỗi cung ứng chiếm 60,9%, bên cạnh các ngành tiêu dùng nhanh, thực phẩm - đồ uống, bán lẻ và sản xuất.

Báo cáo tập trung phân tích tác động của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, bao gồm các quy định về an toàn giao thông, tiêu chuẩn khí thải và giới hạn giờ lái xe đối với các doanh nghiệp vận tải và logistics tại Việt Nam.

Kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 37% doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng cho các quy định mới, trong khi 63% chưa cập nhật hoặc không có sự chuẩn bị trước.

Điều này cho thấy nhu cầu cấp thiết phải tăng cường giáo dục và phổ biến thông tin trong ngành.

Các doanh nghiệp dự kiến sẽ đối mặt với chi phí vận hành tăng từ 10-20%, chủ yếu do nhu cầu tăng cường đội ngũ tài xế để tuân thủ quy định, cùng với các điều chỉnh logistics để thích ứng với giới hạn giờ lái xe mới.

Để thích ứng, nhiều doanh nghiệp đã và đang tối ưu hóa tuyến đường và lịch trình vận chuyển nhằm đảm bảo hiệu quả giao hàng và tuân thủ các quy định mới.

Tuy nhiên, 37,5% doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn thích ứng với luật mới, tạo nguy cơ gián đoạn nếu không có sự điều chỉnh kịp thời.

Khoảng 80% doanh nghiệp ghi nhận sự gián đoạn từ lớn đến rất lớn, đặc biệt trong ngành vận tải đường dài. 70% doanh nghiệp báo cáo rằng chi phí hoạt động bị ảnh hưởng nghiêm trọng do quy định giảm giờ lái xe và mức phạt tăng cao.

Những thay đổi trên đã tạo ra áp lực đáng kể lên các công ty logistics và doanh nghiệp có chuỗi cung ứng rộng khắp.

Giải pháp ứng phó cho doanh nghiệp

Để thực tốt các quy định mới nêu trên, các chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng là ứng dụng công nghệ tối ưu hóa tuyến đường nhằm rút ngắn thời gian di chuyển và giảm tác động từ quy định giới hạn giờ lái xe.

Việc nâng cấp đội xe để đáp ứng tiêu chuẩn khí thải không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ luật mà còn giảm chi phí nhiên liệu và tránh các mức phạt vi phạm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nên tích cực hợp tác với cơ quan quản lý và tham gia vào các hiệp hội ngành để đề xuất điều chỉnh quy định phù hợp với thực tế vận hành, đảm bảo sự chuyển đổi diễn ra một cách hiệu quả và bền vững.

Việc thực thi nghiêm ngặt hơn về giờ lái xe và các hình phạt được kỳ vọng sẽ giúp giảm đáng kể số vụ tai nạn giao thông, thúc đẩy việc di chuyển an toàn hơn và giảm chi phí liên quan cho các doanh nghiệp cũng như hệ thống y tế.

Các tiêu chuẩn khí thải mới sẽ góp phần giảm mức độ ô nhiễm, cải thiện sức khỏe cộng đồng.

Nguồn: https://diendandoanhnghiep.vn/gioi-han-gio-lai-xe-doanh-nghiep-lo-chi-phi-logistics-tang-10149161.html