WORKSHOP “KẾT NỐI VÀ ĐÀM PHÁN TRONG KINH DOANH QUỐC TẾ”

Vào ngày 09.12.2023, ngành QTKD đã tổ chức thành công buổi workshop chuyên đề: “Kết nối và đàm phán trong kinh doanh quốc tế”, với sự tham gia của hai vị diễn giả giàu kinh nghiệm: Ông Nguyễn Văn Duy Linh, Giám đốc công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại An Bảo Nhiên và bà Trương Thị Xuyến, đại diện Văn phòng đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Buổi workshop đã tạo một không gian mở để các bạn sinh viên cùng nhau trao đổi, hỏi đáp và tìm hiểu các nội dung chuyên sâu xoay quanh cách mà doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận và đàm phán với khách hàng khi gia nhập thị trường quốc tế.

Phần 1: “Phương pháp tận dụng tối đa lợi ích từ các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế”

Là một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp, bà Trương Thị Xuyến đã cung cấp cho sinh viên một cái nhìn tổng quan về các kênh mà DN có thể sử dụng để quảng bá sản phẩm và tiếp cận khách hàng hiệu quả. Đặc biệt, bà đã đào sâu vào việc phân tích một kênh xúc tiến thương mại cực kỳ phổ biến, đó là triển lãm thương mại quốc tế. Những hình ảnh sinh động về triển lãm CAEXPO (Trung Quốc - ASEAN) diễn ra tại Trung Quốc hay HCTL Foodexpo diễn ra tại Việt Nam, những câu chuyện về cách thức đăng ký tham gia triển lãm hay cách bố trí không gian triển lãm để thu hút sự chú ý của khách hàng, đã dẫn dắt sinh viên đến gần hơn với các bài học kinh doanh thực tế.

Phần 2: “Nghệ thuật đàm phán chốt deal thành công”

Tiếp cận khách hàng là bước khởi đầu quan trọng nhằm thu hút sự quan tâm của họ đối với sản phẩm. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là dẫn dắt khách hàng bước vào cuộc đàm phán và đạt được thỏa thuận win-win, đôi bên cùng có lợi. Rất nhiều câu hỏi cực kỳ thú vị đã được các bạn sinh viên đặt ra để trao đổi cùng ông Nguyễn Văn Duy Linh:

- Trên bàn đàm phán, khách hàng từ Mỹ, châu Âu, các nước ASEAN và Trung Quốc, khách hàng nào thường “dễ tính” hơn?

- Làm thế nào để cạnh tranh khi các đối thủ quốc tế cũng cung cấp các sản phẩm tương tự với mức giá thấp hơn?

 - Làm thế nào để tạo yếu tố “Woa” cho đối tác khi thiết lập mối quan hệ dài hạn?

Khoa Quản trị kinh doanh trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Ông Nguyễn Văn Duy Linh, Giám đốc công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại An Bảo Nhiên và bà Trương Thị Xuyến, đại diện Văn phòng đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Chúc anh chị luôn khỏe mạnh và thành công trong công việc và cuộc sống. Hy vọng rằng, những bài học đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn của hai vị diễn giả đã giúp các bạn sinh viên củng cố và làm phong phú thêm kiến thức chuyên ngành.